Giới thiệu Sách - Vượt qua cái tôi: Đối thoại giữa nhà sư và nhà khoa học
Vượt qua cái tôi: Đối thoại giữa nhà sư và nhà khoa học
(Tặng kèm Postcard bốn mùa ngẫu nhiên)
Công ty phát hành: Thái Hà
Ngày xuất bản: 9/2020
Tác giả: Matthieu Ricard, Wolf Singer
Dịch giả: Lê Trường Sơn
Nhà xuất bản: Hà Nội
Số trang: 340
Khổ giấy: 16 x 24
[ThaiHaBooks] Cuộc đối thoại giữa khoa học Tây phương và Phật giáo nổi bật lên trên những tranh luận thường là khó khăn giữa khoa học và tôn giáo. Có một thực tế rằng đạo Phật không phải là một tôn giáo theo nghĩa mà thường được hiểu ở phương Tây. Nó không dựa trên quan điểm về một đấng sáng tạo và vì thế, nó không đòi hỏi phải có đức tin. Phật giáo có thể được miêu tả là một môn “khoa học của tâm trí” và là một con đường biến đổi từ hỗn loạn đến sáng suốt, từ đau khổ đến tự do. Nó có điểm chung với các bộ môn khoa học là khả năng khảo sát tâm trí theo kinh nghiệm. Đây là điều khiến cho một nhà sư Phật giáo và một nhà thần kinh học có thể đối thoại được với nhau và đạt được thành quả: giải đáp một loạt những câu hỏi trải rộng từ vật lý học lượng tử cho đến những vấn đề thuộc phạm trù đạo đức.
Hai bên đã cố gắng so sánh các quan điểm của phương Tây và phương Đông, các lý thuyết khác nhau liên quan đến cấu trúc của tự ngã và bản chất của ý thức, dưới cái nhìn của khoa học và chiêm nghiệm. Cho đến gần đây, hầu hết các triết lý Tây phương vẫn được xây dựng xoay quanh sự tách biệt giữa tâm trí và vật chất. Những học thuyết khoa học ngày nay cố gắng lý giải cách thức hoạt động của bộ não có dấu ấn rõ ràng của chủ nghĩa nhị nguyên này. Trong khi đó, đạo Phật ngay từ đầu đã đề xuất một cách tiếp cận thực tại không phân biệt. Các ngành khoa học nhận thức nhìn nhận ý thức như một thứ được khắc lên cơ thể, xã hội và văn hóa.
Đã có hàng trăm quyển sách và bài viết được dành riêng cho những lý thuyết về tri thức, thiền định, khái niệm cái tôi, xúc cảm, sự tồn tại của ý chí tự do và bản chất của ý thức. Cuốn sách này không tạo nên một bảng thống kê những quan niệm đã và đang tồn tại về những chủ đề này. Thay vào đó, mục đích của nó là đối chiếu hai góc nhìn đã cắm sâu trong những truyền thống lâu đời: thực hành chiêm nghiệm của Phật giáo với nhận thức luận và nghiên cứu trong khoa học thần kinh. Cuốn sách tập hợp những trải nghiệm và các kỹ năng để thử trả lời cho những câu hỏi sau: Có phải những trạng thái khác nhau của ý thức đến thông qua thiền định và huấn luyện tâm trí có mối liên kết với các quy trình thần kinh không? Nếu thế thì sự tương quan sẽ vận hành như thế nào?
Cuốn sách này chỉ là một đóng góp khiêm tốn cho một lĩnh vực bao la là đối chiếu các quan điểm và kiến thức về bộ não và ý thức của các nhà khoa học với những người hành thiền – nói cách khác là cuộc gặp gỡ giữa hiểu biết trực tiếp và hiểu biết gián tiếp.
Những dòng sau đây đi theo con đường này và chúng tôi cảm thấy mình thật nhỏ bé trước quy mô của nhiệm vụ. Đôi khi, chúng tôi cho phép bản thân mình bị cuốn trôi bởi các chủ đề chúng tôi ưa thích, và điều này, ở một số chỗ, sẽ được thể hiện dưới dạng những thay đổi về đường hướng của cuộc trò chuyện hoặc sự lặp lại. Chúng tôi đã quyết định giữ nguyên toàn bộ cuộc đối thoại bởi việc phát triển một cuộc trao đổi trong suốt một thời gian dài như vậy là rất hy hữu và đem lại rất nhiều điều. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn muốn gửi lời xin lỗi đến các độc giả vì những điều mà có thể chúng tôi bỏ quên.
TRÍCH ĐOẠN SÁCH
BẢN CHẤT VÀ TỰ DO
Wolf: Khi nói về tự do, ngài biết rằng tôi không phải là người bảo vệ cho khái niệm về ý chí tự do vô điều kiện này, thứ đi cùng với lập trường nhị nguyên và không thể dung hòa được với bằng chứng sinh học thần kinh. Tôi đồng cảm với nhà triết học bi quan Schopenhauer, người đã nói rõ rằng chúng ta không thể làm gì khác hơn ngoài ý chí của mình, và chúng ta không thể thay đổi ý chí của mình chỉ bằng ý chí. Ở giai đoạn sau, chúng ta sẽ tham gia vào một cuộc thảo luận về việc chúng ta tự do quyết định hoặc chống lại một cái gì đó như thế nào và những hạn chế của các tế bào thần kinh là gì.
Hiện tại, tôi muốn tập trung vào cảm giác tự do bền vững hơn, không bị ràng buộc, hòa hợp với chính mình. Những cảm giác tự do như vậy được trải nghiệm khi có sự phù hợp giữa những khuynh hướng tiềm thức, định hướng và các mệnh lệnh bắt nguồn từ việc phân tích hợp lý về thế giới. Đây là những trạng thái dễ chịu mà ở đó người ta cảm thấy tự do và không bị ràng buộc bởi những xung đột bên trong, ảnh hưởng sở hữu hoặc những mệnh lệnh được áp đặt bởi bản ngã của một người hoặc các thế lực bên ngoài.
......
Công ty Cổ phần Sách Thái Hà trân trọng giới thiệu!
Giá PIB