Giới thiệu Sách - Mây Tía Ngang Trời
Mây Tía Ngang Trời
Mây Tía Ngang Trời sử dụng cốt truyện bám sát hiện thực đời sống vùng cao, chắt lọc, tinh tế và có tính hướng mở. Những câu hỏi tác giả đặt ra cho vấn đề không gian văn hóa dân tộc miền núi, những va đập trong sự phát triển, tương tác với các cộng đồng bên ngoài, vấn đề gia đình, đạo đức, trách nhiệm, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa tổ tiên… được cân đo trong những tình huống truyện. Những cộng hưởng linh hoạt của các thủ pháp nghệ thuật như miêu tả tâm lý nhân vật, bút pháp đặc tả, kết hợp với các thành phần động của hội thoại, các tác nhân ngoại cảnh… được tác giả sử dụng nhuẫn nhuyễn trong các tác phẩm. Người đọc không có cảm giác nhân vật được “điều khiển” theo ý đồ của người viết, ngược lại người viết phải chạy theo nhân vật, nói và kể như nhân vật phải hành động, suy nghĩ như vốn dĩ, đã là…
Truyện ngắn Nguyễn Luân trước hết đã thể hiện được giá trị văn hóa của vùng đất, con người nơi mạch văn của anh chuyển tải, là những cái đẹp vừa mở vừa ẩn tàng, mang tính biểu đạt giá trị nhân văn cao cả. Bản sắc vùng cao đã được tác giải khéo léo biểu hiện qua ngôn ngữ câu chuyện, trang phục, nhà ở, ẩm thực, phong tục tập quán, tín ngưỡng… và đặc biệt là những tư tưởng, tình cảm, quan niệm về đạo đức, thẩm mỹ, lối sống, tình cảm riêng tư… của mỗi nhân vật trong truyện ngắn.
Những đặc tính, bản sắc văn hóa được chắt lọc và kết tinh đời sống văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần của con người miền núi, có tính truyền thừa, vừa phát huy giữ gìn vừa rơi vào những tình trạng biến đổi.Họ là những người mẹ, người vợ hết lòng giữ gìn mái nhà sàn bao đời để Chái không bán đi gia tài vật chất và tinh thần của tổ tiên trong “Bóng người dưới trăng”. Một lão Phếnh thầy mo đầy tâm trạng và sự hy sinh, là chút huyền ảo, tâm linh trong Mây Tía Ngang Trời. Tâm thức cộng đồng, đã được những tiểu tự sự đại diện, nói lên tiếng nói chung đặc biệt là về thân phận và tình yêu. Người đọc cảm thương xiết bao trước mối tình ngang trái của Lão Ú và Phín trong “Cánh bướm cuối rừng” và ám ảnh thay một câu van lơn: Ú à, mình làm vợ chồng đêm nay nhé, một đêm thôi cũng được”.
Tình yêu và sự chờ đợi thủy chung, là vệt buồn khắc trên rẻo cao, để ngọn gió rừng kêu gào buốt nhói. Là chuyện tình đứt gãy, bi ai của Nhếnh và Pài để rồi gối vào hai trái tim nứt vỡ ấy là một tay Phiến buôn rượu chia lìa đôi lứa trong “Qua mùa lau trắng”.
Tình yêu đôi lứa chân chất, sâu đậm trước niềm đau ly biệt. Người đọc sẽ thương cảm cho cô gái Síu trong “Qua mùa gió hú” vì chuyện tình tay ba Síu yêu chàng Slay và chàng Pình lại yêu Síu. Những “lát cắt của đời sống” đã diễn ra những đoạn trường, những mảnh rời da diết, tưởng chừng không có sự bắt đầu cũng không có sự kết thúc.
Tác giả cố gắng để trả lời một điều gì đó rất sâu trong bản chất của con người nói chung và trong cộng đồng miền núi nói riêng trong suốt những câu chuyện. Người đọc chờ đợi một điều gì đó đặc biệt được tạo ra, lẫn lộn trong cuộc hành trình đau đáu về phía bên kia và sự lãng quên. Đó không phải là cảm giác hay suy nghĩ tạm thời, mà là “lối đi chung” của tâm thức nhân văn khi đặt dấu hỏi cho những vấn đề có tính phổ quát.
Nguyễn Luân với tư duy nghệ thuật và vốn tri thức bản địa, là một trong những người trẻ đã vượt thoát ra điển lệ cũ của văn học miền núi ít nhiều chịu nhiều ảnh hưởng của văn học dân gian, văn học viết sơ khai qua nhiều thời kỳ. Tập truyện ngắn là bức phác họa vùng không gianvăn hóa miền núi qua việc mô tả, tường thuật một số hiện tượng, sự kiện, diễn tiến đời sống của nhiều lớp người bằng hệ thống hình tượng, cấu trúc ngôn từ và các thủ pháp nghệ thuật mang dấu ấn đậm nét văn chương khu vực miền núi phía Bắc.
#newshop hân hạnh giới thiệu đến bạn đọc!
----------------------------------
Công ty phát hành: SBooks
Tác Giả: Nguyễn Luân
Số Trang: 118
Nhà Xuất bản: Văn Học
Năm Xuất bản: 2020
Kích Thước: 14 x 20 cm
Bìa: Mềm
Giá DFSM