Giới thiệu [Mã BMBAU50 giảm 7% đơn 99K] Sách Cẩm nang nghiên cứu khoa học - Từ ý tưởng đến công bố
Cẩm nang nghiên cứu khoa học - Từ ý tưởng đến công bố (Tái bản 2020)
Tác giả: GS. TS. Nguyễn Văn Tuấn
Khổ sách: 14x21 cm
Số trang: 440 trang
Năm xuất bản: 2020
Cuốn sách bạn đang cầm trên tay được soạn ra để giúp cho các bạn muốn dấn thân vào công việc nghiên cứu khoa học. Nhiều học sinh và sinh viên thường tự hỏi bắt đầu nghiên cứu khoa học từ đâu, ý tưởng nghiên cứu xuất phát từ nguồn nào, phương pháp nghiên cứu ra sao, và công bố kết quả nghiên cứu ở đâu. Đó là những câu hỏi cơ bản trong qui trình nghiên cứu khoa học. Qua 21 chương sách, tôi sẽ giải đáp những câu hỏi trên và kèm theo những ví dụ thực tế giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về qui trình nghiên cứu khoa học.
Hai chữ “Khoa học” mà chúng ta dùng có nguồn gốc từ chữ “science” trong tiếng Anh (và Pháp); chữ science xuất phát từ chữ scientia trong tiếng Latin, có nghĩa là kiến thức. Nghiên cứu khoa học là một hoạt động quan trọng của con người nhằm mô tả các hiện tượng và qui luật tự nhiên bằng phương pháp khoa học. Mục tiêu của nghiên cứu khoa học là sản sinh ra dữ liệu mới, thông tin mới, và kiến thức mới. Cuốn sách này sẽ dẫn bạn đọc qua những mô hình nghiên cứu để thu thập dữ liệu cần thiết, những phương pháp phân tích để ‘hoán chuyển’ dữ liệu thô thành thông tin, và cách lí giải để biến thông tin thành kiến thức. Những kiến thức mới giúp nâng cao phẩm chất cuộc sống và giúp cho xã hội tự tin hơn, giảm sự lệ thuộc vào những niềm tin thiếu căn cứ. Qua làm quen với nghiên cứu khoa học và phương pháp khoa học cũng giúp cho chúng ta tập thói quen phân tích và lí giải các hiện tượng tự nhiên một cách logic hơn, và xử lí thông tin tốt hơn.
Việc ứng dụng các nguyên lí khoa học vào mục tiêu cải thiện cuộc sống của con người có một lịch sử lâu dài. Theo một quan điểm khá phổ biến (nhưng vẫn còn tranh cãi) thì dấu vết của ứng dụng khoa học trong đời sống con người có thể tìm thấy trong nền văn minh Lưỡng Hà, tức khoảng 4.500 năm trước đây, khi mà người Sumerian sáng tạo ra chữ viết, toán học, lịch, và thiên văn học để cải tiến nông nghiệp, chính trị, và tôn giáo. Tuy nhiên, việc ứng dụng phương pháp khoa học vào đời sống con người chỉ thực sự phát triển mạnh kể từ thế kỷ 14 trở đi. Có thể gọi đó là một thời kì cách mạng khoa học. Nói “cách mạng” cũng không ngoa, bởi vì các tư tưởng khoa học đã giải phóng con người khỏi những tăm tối, ở thời kì mà các ý thức hệ tôn giáo mộng mị thống trị niềm tin của con người qua hàng ngàn năm. Cho đến nay, ai cũng phải công nhận rằng chính khoa học xây dựng nên thế giới hiện đại. Khoa học cho chúng ta xe ô-tô, xe tăng, máy bay, điện lực, điện thoại, máy điện toán, mạng, v.v. Khoa học giúp cho con người du hành lên mặt trăng. Khoa học góp phần làm tăng tuổi thọ của con người và con người sống lâu gấp hai lần so với 150 năm trước đây. Danh sách này có thể còn dài, nhưng thiết tưởng những lợi ích của khoa học như thế cũng đủ để thấy sự đóng góp của khoa học vào xã hội cực kì to lớn, và nó là một bộ phận không thể thiếu được trong xã hội hiện đại.
Trong thế kỉ 21, khoa học và công nghệ được xem là yếu tố hàng đầu để nâng tầm của một quốc gia trong nền kinh tế tri thức. Một nền kinh tế tri thức tốt, như tên gọi, được phát triển từ tri thức khoa học và công nghệ, hơn là lệ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên và thể lực. Một ứng dụng máy tính hay một sản phẩm điện thoại thông minh có thể giúp cho quốc gia thoát nghèo và sánh vai cùng các nước tiên tiến. Nhưng trong thực tế cho đến nay, hầu hết các chỉ số về kinh tế tri thức của Việt Nam vẫn còn thấp so với các nước trong vùng. Tri thức khoa học, như đề cập trên, được sản sinh từ nghiên cứu khoa học. Do đó, Việt Nam cần nhiều người tham gia vào nghiên cứu khoa học để giúp nâng cao vị thế của nước nhà trong quá trình cạnh tranh trở thành một nền kinh tế tri thức. Cuốn sách nhỏ này có ý nguyện đóng góp một phần nhỏ vào công cuộc chung đó.
Giá SSNC