Một trong những kinh văn quan trọng nhất của Phật giáo Đại Thừa, trong ấy hầu như tất cả các tôn chỉ chính yếu được trình bày, kể cả giáo lý Thiền.Kinh Lăng-già là một tro...
  • Giao hàng toàn quốc
  • Được kiểm tra hàng
  • Thanh toán khi nhận hàng
  • Chất lượng, Uy tín
  • 7 ngày đổi trả dễ dàng
  • Hỗ trợ xuất hóa đơn đỏ

Giới thiệu Nghiên cứu Kinh Lăng-già

Một trong những kinh văn quan trọng nhất của Phật giáo Đại Thừa, trong ấy hầu như tất cả các tôn chỉ chính yếu được trình bày, kể cả giáo lý Thiền.

Kinh Lăng-già là một trong các kinh văn Đại Thừa quan trọng nhất, và Phật giáo Nepal xem kinh này là một trong chín kinh điển. Kinh này hàm chứa hầu hết các ý niệm chính, cả mặt triết học và thần học của Phật giáo Đại Thừa. Duy Thức Tông (Yogācāra) của Đại Thừa xem kinh này là kinh văn nền tảng, bởi vì kinh hàm chứa tất cả các ý niệm của duy tâm luận, như Duy-Tâm, tàng thức, làm thành căn bản triết học của tông này.

Bởi vì kinh văn cô đọng, khó hiểu và phức tạp về cách trình bày các ý niệm, tác giả cố gắng hết sức giải thích các ý niệm căn bản của Kinh Lăng-già trong bối cảnh của sự phát triển lịch sử của Phật giáo, mà tuyệt đỉnh là sự xuất hiện của Đại Thừa. Trong phần thứ nhất của sách tác giả đưa ra một nghiên cứu văn bản về kinh trong bối cảnh của nhiều bản dịch thực hiện ở Trung Quốc. Đồng thời tác giả cũng có vạch ra ảnh hưởng của kinh này đối với Phật giáo Trung Quốc và Nhật Bản, nhất là đối với Thiền. Trong phần còn lại của sách, tác giả chuyên chú vào việc giải thích các ý niệm triết học phức tạp tìm thấy trong kinh, và cách mà các ý niệm này được sử dụng bởi nhiều tông phái Phật giáo.

Tác giả cũng vạch ra liên hệ mật thiết hiện hữu giữa Kinh Lăng-già và Phật giáo Thiền. Mặc dù không phải chuyên nhất là một kinh văn Thiền, ảnh hưởng của kinh đối với Thiền không thể nào chối bỏ được. Các ý niệm không liên hệ đến Thiền trong kinh, đặc biệt là các ý niệm thuộc về Duy Thức Tông, cũng được thảo luận bởi tác giả trong phần thứ ba của sách.

---

MỤC LỤC

NGHIÊN CỨU KINH LĂNG-GIÀ
TỰA CỦA DỊCH GIẢ
LỜI TỰA CỦA TÁC GIẢ


PHẦN I: DẪN NHẬP NGHIÊN CỨU KINH LĂNG-GIÀ

CHƯƠNG 1: CÁC BẢN DỊCH TRUNG VĂN VÀ TẠNG VĂN
CHƯƠNG 2: SO SÁNH NỘI DUNG CỦA BA BẢN DỊCH TRUNG VĂN, MỘT BẢN DỊCH TẠNG VĂN VÀ MỘT NGUYÊN BẢN PHẠN VĂN
CHƯƠNG 3: CÁC VÍ DỤ VỀ DỊ BIỆT GIỮA CÁC VĂN BẢN
CHƯƠNG 4: NGHIÊN CỨU THÊM VỀ KINH VÀ CÁC LIÊN HỆ NỘI TẠI CỦA KINH
CHƯƠNG 5: KINH LĂNG-GIÀ VÀ BỒ-ĐỀ-ĐẠT-MA, SÁNG TỔ CỦA PHẬT GIÁO THIỀN Ở TRUNG QUỐC
CHƯƠNG 6: NGHIÊN CỨU KINH LĂNG-GIÀ SAU BỒ-ĐỀ-ĐẠT-MA Ở TRUNG QUỐC VÀ NHẬT BẢN
CHƯƠNG 7: CHƯƠNG DẪN NHẬP CỦA KINH LĂNG-GIÀ


PHẦN II: KINH LĂNG-GIÀ VÀ GIÁO LÝ PHẬT GIÁO THIỀN


GHI CHÚ SƠ KHỞI


CHƯƠNG 8: MỘT TỔNG QUAN VỀ CÁC KHÁI NIỆM CHÍNH GIẢI THÍCH TRONG KINH
1. Tầm vóc của Phật giáo Đại Thừa
2. Giáo lý của Kinh Lăng-già
3. Tầm quan trọng cực kỳ của nội chứng
4. Kinh nghiệm nội tâm và ngôn ngữ
5. Các phức tạp tai hại phát sinh từ Phân biệt
6. Ý nghĩa của Yathābhūtam và Māyā
7. Vô Sinh có nghĩa là gì?
8. Nirvāṇa được giải thích như thế nào?
9. Yếu tính của Phật tính
10. Xuất Thế Gian Trí
11. Giáo lý Tam Thân
12. Xuất Thế Gian Trí và nguyên nhân tối sơ
13. Ngụ ngôn về cát sông Hằng


CHƯƠNG 9: NỘI DUNG TRÍ THỨC CỦA KINH NGHIỆM PHẬT GIÁO
1. Ngũ Pháp
2. Ba loại tự tính
3. Hai loại trí
4. Lý thuyết Nhị Vô Ngã


CHƯƠNG 10: TÂM LÝ LUẬN CỦA KINH NGHIỆM PHẬT GIÁO 
1. Giáo lý Duy Tâm
2. Giải thích các từ quan trọng
3 Lý thuyết Duy Tâm
4. Sự chuyển hóa của hệ thống Thức
5. Ba thể cách của Thức
6. Các tác năng của Bát Thức
7. Tác năng của Mạt-na
8. Sự thức tỉnh của Bát-nhã


CHƯƠNG 11: ĐỜI SỐNG VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA MỘT BỒ-TÁT
1. Kỷ luật tự thân và Gia trì (Adiṣṭhāna)
2. Thanh Tịnh Hóa (Viśuddhi) Tâm
3. Ý Sinh Thân (Manomayakāya)
4. Bồ-tát và đời sống xã hội
5. Bồ-tát không bao giờ nhập Niết-bàn
6. Các nguyện của Bồ-tát và các hoạt động vô nỗ lực
7. Thập nguyện của Bồ-tát Samantabhadra (Phổ Hiền)

PHẦN III: MỘT SỐ LÝ THUYẾT QUAN TRỌNG GIẢI THÍCH TRONG KINH LĂNG-GIÀ


CHƯƠNG 12: GIÁO LÝ “DUY TÂM” (Cittamātra)

1. Một trong các lý thuyết chính của Kinh
2. Các đoạn trích dẫn liên hệ với Giáo lý
3. Tâm (Citta) và Chuyển hóa
4. Citta (Tâm), Ālayavijñāna (A-lại-da Thức) và Ātman (Ngã)
5. Hư vọng phân biệt, Vô sinh và Duyên khởi
6. Bằng cớ của “Duy Tâm”
7. Vài nhận định kết thúc


CHƯƠNG 13: KHÁI NIỆM VÔ SINH (Anutpāda)
1. Kinh Bát-nhã-ba-la-mật-đa và Kinh Lăng-già
2. Vô Sinh (Anutpāda) có nghĩa là gì?
3. Khái niệm của Phật giáo về Bất Tử
4. Vô Sinh có nghĩa là siêu việt Tương đối tính
5. Vô Sinh, Chân lý Siêu việt và Thường hằng Bất khả tư nghị
6. Khái niệm tích cực trong Vô Sinh


CHƯƠNG 14: TAM THÂN CỦA PHẬT
1. Đại cương Giáo lý
2. Kinh Kim Quang Minh về Tam Thân
3. Pháp Thân trong Kinh Lăng-già
4. Chưa có Tam Thân, mà chỉ có một Phật Tam Vị
5. Đẳng Lưu (Niṣyanda) và Biến Hóa (Nirmāṇa) Phật
6. Vipāka Buddha (Dị Thục Phật/Báo Phật)
7. Tam Thân trong Đại Thừa Khởi Tín Luận


CHƯƠNG 15: TATHĀGATA (NHƯ LAI)


CHƯƠNG 16: CÁC CHỦ ĐỀ THỨ YẾU

1. Nhất Thừa (Ekayāna)
2. Ngũ Vô Gián Nghiệp
3. Lục Ba-la-mật (Pāramitā)
4. Tứ Thiền
5. Thực Nhục (Māṁsabhakṣaṇa)


TỪ VỰNG: PHẠN VĂN - TRUNG VĂN - VIỆT VĂN

---

LỜI TỰA CỦA DỊCH GIẢ

Daisetz Teitaro Suzuki (1870-1966) được biết đến nhiều nhất qua loạt sách về Phật giáo Thiền viết bằng Anh ngữ xuất bản trong các các thập niên 1920-1930. Ông được xem là một trong những người đầu tiên mang Thiền đến cho thế giới Tây phương. Kiến thức và phương pháp tiếp cận Thiền đã có rất nhiều thay đổi kể từ 50 năm nay. Do đó, tuy rằng vai trò của Suzuki trong việc khiến Thiền được đón nhận rộng rãi trong thế giới Tây phương, cách giải thích Thiền của ông không thoát khỏi bị phê bình. Ngay từ các năm 1950, Hồ Thích, trong các nghiên cứu về lịch sử Thiền tông Sơ kỳ đã phê bình cách giải thích Thiền của Suzuki là phi sử tính và có tính cách thần bí. Tuy nhiên, chúng ta không nên hiểu lầm rằng Hồ Thích tập trung vào việc phê bình Suzuki trong các nghiên cứu của ông về lịch sử Thiền tông Sơ kỳ. Ông chỉ trích ra một vài đoạn trong các sách của Suzuki để nêu ra lý do ông không thể đồng ý được với Suzuki rằng Thiền hoàn toàn siêu việt lịch sử và văn hóa. Hồ Thích chuyên chú hơn vào việc phân tích, đối chiếu, hiệu đính và ấn hành các tư liệu Đôn Hoàng về lịch sử Sơ kỳ Thiền tông. Với tư cách của người nghiên cứu Sử, ông không thoải mái lắm với những gì mà ông nhận thấy là mâu thuẫn, bất nhất và thậm chí là ngụy tạo trong các “sử liệu” của Thiền tông Sơ kỳ. Tôi nghĩ thái độ này cũng không có gì là quá đáng. Các học giả hàng đầu về lịch sử Thiền của Nhật Bản, chẳng hạn như Yanagida Seizan và Iriya Yoshitaka, chính họ cũng là những Phật tử tu tập Thiền nghiêm túc, đều công nhận và kính trọng vị trí của Hồ Thích như là người mở đường cho nhãn quan lịch sử này. Cần lưu ý thêm rằng Hồ Thích không phải chỉ chúi mũi dùi vào Thiền tông Sơ kỳ, ông áp dụng cả thái độ đó trong các nghiên cứu văn hóa sử Trung Quốc. Ông đã từng nói rằng “chúng ta không cần phải trở thành trò cười của người xưa.”

Suzuki viết các sách về Thiền với tư cách là một người tu tập Thiền thành khẩn và sâu đậm, ông tập trung vào việc truyền đạt kinh nghiệm tâm linh của Thiền cho người Tây phương. Tuy nhiên, cũng rất là sai lầm nếu nghĩ rằng Suzuki hoàn toàn không lưu ý đến lịch sử. Ngoài các trước tác về Thiền bằng Anh ngữ, Suzuki cũng tận tụy nghiên cứu, hiệu đính và ấn hành các tư liệu lịch sử Thiền tông Sơ kỳ tìm thấy ở Đôn Hoàng. Theo nhận xét của tôi, không một người trí thức đứng đắn nào kỵ đạn lịch sử. Dĩ nhiên không thiết thực rằng ai cũng phải trở thành sử gia, nhưng mà thiếu hiểu biết về bối cảnh lịch sử cũng rất khó cho chúng ta lãnh hội được một truyền thống triết học hay văn học nào đó một cách nghiêm túc. Không những không phi lịch sử, Suzuki cũng không hề có thái độ phản trí thức trong các trước tác cũng như trong đời sống. Suzuki là người rất khoa bảng, ông tốt nghiệp Đại học Tokyo, có khả năng đọc các ngôn ngữ kinh điển của Phật giáo như Pali, Phạn, Tạng và Hán văn. Ông là giáo sư của Đại học Ōtani (大谷 Đại Cốc) và từng diễn giảng ở rất nhiều đại học bên Tây phương. Như đã đề cập, cách tiếp cận Thiền của Suzuki bị một số học giả phê bình là thần bí, lãng mạn, siêu việt, vân vân. Những phê bình này không hẳn hoàn toàn không chính xác. Tuy nhiên, tôi nghĩ Suzuki cũng không tuyệt đối vô lý khi ông công nhận giá trị tâm linh của Thiền. Dĩ nhiên, bất cứ một hệ thống triết học nào cũng xuất phát trong một khung cảnh văn hóa và lịch sử đặc thù nào đó (ngay cả khoa học cũng không là ngoại lệ). Nhưng nếu chúng ta chỉ tập trung vào việc phân tích bối cảnh lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ và xem đó là đã trọn vẹn công việc, chúng ta có thể bỏ lỡ cái giá trị hiện sinh mà truyền thống đó muốn truyền đạt. Các tư tưởng gia, triết gia, nghệ thuật gia, tuy rằng, không ít thì nhiểu, đều là sản phẩm của một nền văn hóa hay bối cảnh lịch sử đặc thù nào đó. Nhưng mà một điều không thể chối bỏ được là họ có một thông điệp nào đó muốn truyền đạt. Thiền cũng thế. Như đã đề cập, Suzuki không phải là hoàn toàn không lưu tâm đến các dữ kiện ngoại tại, nhưng mà chủ ý của ông trong các trước tác bằng Anh ngữ về Thiền, như đã đề cập, là để truyền đạt kinh nghiệm tâm linh của Thiền. Điều này đối với ông quan trọng hơn và thiết yếu để truyền đạt đến các độc giả Tây phương hơn là giải thích lịch sử.

Ngoài các trước tác bằng Anh ngữ về Thiền, hiệu đính và ấn hành một số cảo bản Đôn Hoàng về Thiền tông Sơ kỳ, Suzuki còn nghiên cứu và dịch sách Đại Thừa Khởi Tín Luận (大乘起信論), một tài liệu rất quan trọng của Phật giáo Đại Thừa. Đặc biệt nhất là, Suzuki cũng là người đóng góp nhiều hơn bất cứ ai cho việc nghiên cứu Kinh Lăng-già (Laṅkāvatāra-sūtra), một trong các kinh quan trọng nhất của Phật giáo Đại Thừa. Ông xuất bản cuốn Studies in the Lankavatara Sutra năm 1930; bản dịch Anh văn trọn vẹn Kinh Lăng-già từ nguyên tác Phạn văn, The Lankavatara Sutra. Translated for the first time from the original Sanskrit, năm 1932; và một Sách dẫn (Index) hết sức công phu đối chiếu cặn kẽ các thuật ngữ của Kinh Lăng-già dựa theo bản Phạn văn, Tạng văn và các bản Trung văn. Kể từ khi Suzuki xuất bản bản dịch Anh văn (1932) cho đến nay đã gần một thế kỷ. Bản dịch của ông do đó, không khỏi có phần già nua, phần vì Anh ngữ Phật giáo thuở đó vẫn còn ở trong thời kỳ dọ dẫm. Tuy nhiên, cho đến hiện thời vẫn chưa có một bản dịch nào hoàn chỉnh hơn thay thế bản dịch của ông. Hiện nay ở Hoa Kỳ chỉ có hai bản dịch Anh ngữ của Kinh Lăng-già - cả hai bản đều dịch từ các bản Trung văn. Vì các dịch giả là người Mỹ, cho nên Anh ngữ của họ đọc lưu loát. Tuy nhiên, tôi không nghĩ rằng hai bản dịch này có ích dụng gì cho những người học tư tưởng Phật giáo Đại Thừa. Đây không phải là chỗ để đi sâu vào chi tiết. Chỉ nêu ra một điểm là cả hai dịch giả đều không có kiến thức về ngôn ngữ, lịch sử và triết học Ấn Độ, thuộc về cả Phật giáo lẫn Ấn giáo.  

Lý do chính mà Suzuki quan tâm đến và tận tụy nghiên cứu Kinh Lăng-già nhiều như thế bởi vì ông là một Thiền giả. Mà theo truyền thống Thiền thì Bồ-đề-đạt-ma, sáng Tổ của Thiền, truyền lại kinh này cho đệ tử của ông là Huệ Khả, sau này trở thành Tổ thứ hai của Thiền tông. Dựa theo truyền thống này thì Kinh Lăng-già là nền tảng giáo lý chính yếu của Thiền. Tuy nhiên, đọc Nghiên cứu này dù cung cách Thiền giả của Suzuki vẫn hiển lộ, chúng ta không khỏi nhận thấy một phương diện khác của thái độ trí thức của ông. Thay vì đóng vai trò truyền đạt kinh nghiệm tâm linh Phật giáo, ông khiêm cung chia sẻ sự tìm hiểu nghiêm túc về kinh với người đọc. Tôi không cần đi sâu vào chi tiết. Độc giả tự quan sát trong những trang sách dưới đây. Tóm lại, Suzuki cung hiến cho những người có đủ kiên nhẫn và tận tụy với Phật giáo một tập tư liệu quí báu về một trong các kinh quan trọng nhất của Phật giáo Đại Thừa.

Sau hết, tôi xin trình bày cách dịch sách này với độc giả. Simon Leys (Pierre Ryckmans), Hán học gia người Bỉ (Belgium), đưa ra phát biểu sau đây trong lời tựa bản dịch Luận ngữ sang Anh văn của ông: Dịch giả khéo là một người vô hình. Hiển nhiên ý ông muốn nói: dịch giả khéo là người diễn dịch trung thực càng nhiều càng tốt ý tưởng của tác giả hơn là áp đặt ý kiến cũng như bút pháp và phong cách của mình lên tác giả. Tuy rằng hoàn toàn đồng ý với Simon Leys, nhưng trong khi dịch thiên khảo cứu này, tôi hầu như phản ngược lại nguyên tắc đó. Lý do là nếu tôi chỉ trung thực dịch những gì Suzuki viết, không những đã không giúp ích gì cho người đọc, ngược lại chỉ làm người đọc rối trí thêm. Lý do là phần lớn trong thiên khảo cứu này, Suzuki trích dịch từ Kinh Lăng-già (và một số Kinh hay Luận khác). Và theo như ông nói, ông thường xen lẫn giải thích của mình vào kinh văn. Theo nhận xét của tôi, làm như thế không những không sáng tỏ ý nghĩa của kinh văn mà chỉ gây rắc rối một cách vô ích. Lại nữa, phỏng đoán từ Anh văn vốn được dịch từ Phạn văn sang trở lại Việt văn là một con đường vòng vo khó khăn. Đây cũng tựa như phải dịch tiểu thuyết vũ hiệp của Kim Dung thay vì từ nguyên tác Trung văn, mà lại từ bản dịch Anh văn sang trở lại Việt văn. Hơn nữa, như đã nhận định ở trên, nghiên cứu này của Suzuki được viết cách đây gần một thế kỷ, Anh ngữ Phật giáo thuở đó còn thuộc vào giai đoạn sơ khai. Đôi khi cách lựa chọn từ Anh văn của ông cũng hơi lạ, chẳng hạn như Suzuki dịch Sangha (Tăng-già) sang Anh văn là “Brotherhood” và vāsanā (tập khí) là “memory”.

Do đó, ngoại trừ những nhận xét và phê bình của Suzuki, tất cả các trích dịch của ông từ các kinh văn, tôi đều dịch thẳng từ nguyên tác chứ hoàn toàn không dựa theo bản dịch Anh văn của ông. Về Kinh-Lăng-già, Suzuki dựa vào bản Phạn văn ấn hành bởi Nanjō Bunyū (南條文雄 Nam Điều Văn Hùng) năm 1923. Tôi không có bản này trong tay. May mắn thay trong tủ sách của tôi vẫn còn bản Phạn văn ấn hành bởi P. L. Vaidya: SaddharmalaṅkāvatārasūtramThe Mithila Institute of Post-Graduate Studies and Research in Sanskrit Learning. Darbhanga, 1963. Không có bản này, không cách chi tôi có thể hoàn thành bản dịch này. Theo nhận định của tôi, ấn bản Vaidya cũng không dị biệt gì lắm với ấn bản Nanjō. Như đã đề cập, những trích dịch từ Kinh Lăng-già, tôi không dựa theo bản Anh văn của Suzuki mà dựa theo bản Phạn văn. Tôi cố gắng dịch sát nghĩa để giữ được khí vị của kinh văn. Dĩ nhiên, thế giới tư tưởng và triết học của Kinh Lăng-già không phải là dễ hiểu. Suzuki cũng nhấn mạnh nhiều lần trong Nghiên cứu. Không ai có thể đột nhiên “đơn đao trực nhập” thế giới triết học Đại Thừa được cả. Tìm hiểu triết học Phật giáo đòi hỏi nhiều kiên nhẫn, thành thực, nghiêm túc và tận tụy. Tôi đạt được rất nhiều hứng thú đọc và dịch Nghiên cứu của Suzuki. Hi vọng người đọc cũng có được kinh nghiệm tương tự.

Như Hạnh

Virginia, USA, tháng 1, 2019

 

 Xem thêm Hồ Thích Thiền học Án - Quyển 1 của Hồ Thích được dịch bởi Như Hạnh, Khai Tâm ấn hành năm 2018. BTV

Giá sản phẩm trên Tiki đã bao gồm thuế theo luật hiện hành. Bên cạnh đó, tuỳ vào loại sản phẩm, hình thức và địa chỉ giao hàng mà có thể phát sinh thêm chi phí khác như phí vận chuyển, phụ phí hàng cồng kềnh, thuế nhập khẩu (đối với đơn hàng giao từ nước ngoài có giá trị trên 1 triệu đồng).....


Giá RBIF

Thông tin chi tiết

Công ty phát hànhCông ty Cổ phần Xuất bản Khai Tâm
Ngày xuất bản2022-11-19 17:01:25
Dịch GiảNhư Hanh
Loại bìaBìa mềm
Số trang524
Nhà xuất bảnNhà Xuất Bản Tri Thức
SKU3117252436619
Liên kết: Má hồng dạng nước Moisture Cushion Blush 02 Pink fmgt (màu Hồng)