Nước Đức Từ A Đến Z

Tác giả: Lê Quang | Xem thêm các sản phẩm Du ký của Lê Quang
“Nước Đức từ A đến Z” là một cuốn sách mới của tác giả Lê Quang. Độc giả Việt Nam chủ yếu biết đến Lê Quang trong vai trò là một dịch giả nổi tiếng với hơn 40 tác phẩm văn học dịch, có thể kể đến như:...
  • Giao hàng toàn quốc
  • Được kiểm tra hàng
  • Thanh toán khi nhận hàng
  • Chất lượng, Uy tín
  • 7 ngày đổi trả dễ dàng
  • Hỗ trợ xuất hóa đơn đỏ

Giới thiệu Nước Đức Từ A Đến Z

“Nước Đức từ A đến Z” là một cuốn sách mới của tác giả Lê Quang. Độc giả Việt Nam chủ yếu biết đến Lê Quang trong vai trò là một dịch giả nổi tiếng với hơn 40 tác phẩm văn học dịch, có thể kể đến như: “Người đọc”, “Tình ơi là tình”, “Đo thế giới”, “Vị hạt táo”, “Các phi hành gia đi vệ sinh vào đâu”, “Ân sủng của đời”... Ít ai biết dịch giả Lê Quang đã sống và làm việc ở Đức gần 30 năm với công việc của một kiến trúc sư và ông đã trở thành một công dân mang quốc tịch Đức. Từng ấy năm ở Đức, ông đã được tiếp xúc với đủ mọi tầng lớp trong xã hội từ những người vô gia cư, người vi phạm pháp luật, đến giới thượng lưu, các chính trị gia. Ông cũng đã sống trải cả hai thời kì từ khi nước Đức bị chia cắt tới nước Đức thống nhất, từng tận mắt chứng kiến khoảnh khắc bức tường Berlin sụp đổ trong hòa bình, đủ để thấy những trải nghiệm của ông về nước Đức không hề hời hợt.

“Nước Đức từ A đến Z” như trong lời Phi lộ Lê Quang viết những gì ông kể trong cuốn sách đều là tiếp nhận và cảm nhận rất cá nhân, chứ không phải viết cẩm nang du học, sách hướng dẫn du lịch hay quảng cáo về nước Đức. Cuốn sách có lẽ được ấp ủ từ rất lâu khi ông đi dạy tiếng Đức cho đồng bào mình, luôn có người hỏi: “Người Đức như thế nào? Nước Đức như thế nào?”

Chọn cách tiếp cận con người Đức, đất nước Đức ở nhiều góc độ khác nhau, tác giả chia nội dung theo chủ đề đi liền từ khóa, đánh dấu theo mục từ của bảng chữ cái từ A đến Z để người đọc dễ theo dõi và mỗi mục từ người đọc còn có cơ hội học thêm một từ tiếng Đức với cách phát âm kèm theo. Mỗi chữ cái ông triển khai một nội dung liên quan đến nét tính cách, văn hóa, ẩm thực đặc trưng của nước Đức từ món ăn nổi tiếng của người Đức như xúc xích, bia, hay chuyện tắm truồng, trai gái, bóng đá... đến những chuyện nước nước Đức nổi tiếng với rất nhiều thiên tài và phát minh khoa học cũng như tính nguyên tắc đến cứng nhắc của người Đức. Tất cả những điều đó được tác giả viết rất súc tích, sâu sắc với giọng văn có chút tưng tửng và không kém phần hóm hỉnh. Kết thúc mỗi mục từ, tác giả còn tặng kèm thêm cho bạn đọc một truyện cười, thứ nhất là đúng như tinh thần tiết kiệm của người Đức - không nên để phí giấy trắng, hai là đền bù cho độc giả nếu đọc nội dung mà chưa thấy điều gì thú vị, hay ho.

Đọc “Nước Đức từ A đến Z” cũng có khi bạn đọc sẽ ngạc nhiên vì không giống với những gì chúng ta được biết qua những câu chuyện được lưu truyền trên mạng xã hội như những huyền thoại được được viết một cách phóng đại về nước Đức. Ở đó ta được biết thêm nước Đức không chỉ có sự giàu có, hào nhoáng, lịch thiệp mà còn có một nước Đức với vô số những vụ bê bối về an toàn thực phẩm như “thịt thiu thối”, buôn lậu, nạn đối xử phân biệt với những người nhập cư mà tác giả gọi đó là những phó thường dân. Ở đó ta tìm thêm được lời giải đáp vì sao một đất nước phát triển với chế độ phúc lợi tuyệt vời như ở Đức mà còn rất nhiều người vô gia cư, theo tác giả đó là những người có lòng tự trọng họ thà là người vô gia cư còn hơn ngửa tay nhận tiền trợ cấp của chính phủ.
“Nước Đức từ A đến Z” Lê Quang còn cho chúng ta những thông tin thú vị như 350 trẻ em miền Bắc, em nhỏ nhất mới lên chín tuổi, từ Việt Nam sang Cộng hòa dân chủ Đức học tập từ năm 1955 theo thỏa thuận của Đông Đức và Việt Nam hay tác giả đã từng một trong những người đưa công nghệ sản xuất bia của Đức về Việt Nam, là một trong 3 người đồng sáng lập xúc xích Đức Việt nhưng sau đó nhanh chóng nhượng lại thương hiệu do không chịu nổi ngày nào cũng nhìn thấy... lợn chết.

Ở “Nước Đức từ A đến Z” tác giả đồng quan điểm với hai vị danh nhân người người Áo và người Mĩ: Hofmannsthal tiểu thuyết gia người Áo cho rằng: “Họ (người Đức) nghiêm túc, họ chăm chỉ, không dân tộc nào khác trên thế giới làm việc được như họ, họ đạt những điều không tưởng - nhưng sống cùng họ thì chẳng hay ho gì đâu”. Và Noam Chomsky, một triết gia Hoa Kì kiệt xuất: “Tôi không yêu đất nước, tôi cho rằng người ta nên yêu con người chứ không nên yêu đất nước”.


NHỮNG NHẬN XÉT TIÊU BIỂU
“Cuốn sách cần thiết và hữu ích cho những ai muốn tìm hiểu và sống ở một trong những nước phát triển hàng đầu thế giới. Không chỉ thế, nó còn là một cẩm nang văn hóa. Đọc nó bạn có thể đọc từ A đến Z, tuần tự nhi tiến. Nhưng bạn cũng có thể chọn đọc mục từ theo chữ cái tên mình. Ví như tôi thử đọc vào mục từ Q. của tên Lê Quang. Ở chữ cái trùng với chữ cái tên mình này, lão chọn cái từ “Querdenker” với nghĩa “Người có tư duy phá thông lệ”. Hãy nghe lão dẫn giải: “Lí do quan trọng nhất để tôi nghĩ đến từ khóa Querdenker là quyết tâm sáng tỏ một khái niệm có tính khoa học nghiêm túc mà tiếc rằng trong những ngày cả thế giới vật vã chống đại dịch Corona lại bị nhiều người gán cho nội hàm xấu xí. Querdenker nguyên thủy là chữ ghép bởi trạng từ quer (ngang) và động từ denken (tư duy). Querdenker thực ra phải được hiểu là người có tư duy tự lập, độc đáo, không theo chuẩn “phải đạo” hoặc bó gọn trong một mô hình tư duy cứng nhắc, mà biết phản biện hoặc liên thông sang các lĩnh vực khác.” Ngẫu nhiên mà tên lão là “Quang” trong tiếng Việt có nghĩa là “Sáng” cũng có thể ứng với “Querdenker” trong tiếng Đức.”
Nhà phê bình văn học
Phạm Xuân Nguyên

“Nước Đức từ A đến Z” không có tham vọng trả lời được hết mọi câu hỏi mà các bạn có, nhưng các trải nghiệm và bình chú rất cá nhân của tác giả Lê Quang sau ngót ba mươi năm ở Đức chắc chắn sẽ dắt tay bạn đi vài bước vững chắc đến phía xứ sở gần mà xa, tưởng như ngày nào cũng đọc thấy trên báo mà té ra khó hiểu, nghe chừng khô khan mà rất đằm thắm tình người.

PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa (Tiến sĩ Giáo dục tại ĐHTH Potsdam), Giám đốc Nhịp Cầu Đức CTC

Nếu chưa biết gì về nước Đức - một đất nước khiến cả thế giới vừa tò mò, vừa ngưỡng mộ, vừa e ngại thì “Nước Đức từ A đến Z” sẽ giải đáp cho bạn. Qua lăng kính của gã dịch giả “lõi đời” Lê Quang, từ chuyện chủng tộc của người Đức, đến chuyện sản xuất ô tô, cơ khí đỉnh cao đến chuyện Tắm, chuyện Gái – Trai, rồi quay qua chuyện buôn lậu, chuyện bóng đá đều được mô tả rất kỹ lưỡng với giọng điệu cực kỳ hóm hỉnh. Để rồi, rất có thể bạn sẽ xách ba lô lên và đi ngay.

Nhà văn Thủy Hướng Dương

Wertesystem: Hệ giá trị

Mỗi dân tộc hay xã hội có một hệ giá trị riêng, được xây dựng trên cách cảm nhận của mình về đạo đức, lý tưởng, chất lượng, qui chuẩn ứng xử v.v. trong đó vài giá trị mang tính phổ quát và một số đậm đà bản sắc riêng. Xã hội Đức cũng vậy. Tôi không có khả năng phán xét và cũng không muốn phá vỡ khuôn khổ mấy dòng tự sự này bằng một bài phân tích tâm lý xã hội Đức, mà chỉ để ý đến một giá trị mang tên Nhà nước pháp quyền - chỉ vì công việc khiến tôi nhiều lần phải dẫn khách đến tham quan thành phố Potsdam.
Ý tưởng về một nhà nước được cai trị bằng luật pháp và bảo đảm an ninh pháp lý cho người dân đã có từ thời Hi Lạp cổ đại, nhưng phải đến kỷ Khai sáng các triết gia mới hệ thống hóa một số quyền được coi là quyền mà con người mặc nhiên sở hữu từ khi sinh ra; nhà nước không ban cho dân các quyền đó, chỉ có thể bảo đảm chúng - ở mức độ nào thì tùy … hoàn cảnh lịch sử. Dịch giả tiếng Nga lừng danh Phạm Mạnh Hùng có viết một bài về nhà nước pháp quyền để đăng báo. Năm lớp 10 tôi tình cờ đến học phụ đạo môn Vật lý ở nhà ông (vì ông có bộ tài liệu giáo khoa của Liên Xô, vốn cao siêu hơn sách của ta vài tầng), đúng lúc ông dở tay viết nháp, và chắc đang hứng nên ông giải thích cặn kẽ cho tôi khái niệm ấy. Sau nhiều chục năm, tôi quên lời ông hôm đó, cũng vì trước đó và ngay sau đó vẫn chẳng hiểu rõ nhà nước pháp quyền là gì. Sang đến Đức mới được nghe một giáo sư môn Mác-Lê giảng lại và thực tình cũng chẳng tiếp thu được nhiều, vì bàng quan cũng có, lười cũng có. Giáo sư dạy là nhiều nơi trên thế giới không hề biết khái niệm Nhà nước pháp quyền, ngay ở Đức cũng chỉ nói đến nó từ thế kỷ 19. Lịch sử Đức đẻ ra lắm triết gia nổi tiếng, song dân thường cũng ngơ ngác, không phân biệt được nhà nước pháp quyền với nhà nước hiến pháp hay nhà nước dân chủ. Tương truyền Vua Phổ Friedrich Đệ nhị (1712-1786) đã phán một câu mà một thế kỷ sau Các Mác (1818-1883) phải dụng công chỉnh sửa: “Các triết gia chỉ giải thích thế giới mỗi người một phách, điều thiết yếu là phải tuân lệnh vua.” Ông Vua Mặt Trời Louis XIV còn nói ngắn gọn hơn: “L’Etat, c’est Moi - nhà nước chính là ta đây!”
Chuyện Triết thì mông lung lắm, tôi chỉ định quay lại với Potsdam và kể về ông Friedrich Đại đế nọ. Dưới thời Friedrich Wilhelm Đệ nhất, thành phố Potsdam phát triển thành khu trại lính với bầu đoàn thê tử và đông đảo nhân viên. Bảy cối xay bột cũ không đủ cung ứng, chính quyền phải cấp phép xây thêm một loạt cối xay mới, trong đó có cái cối xay khổng lồ chạy bằng sức gió theo hình mẫu Hà Lan ở bên hông cung điện mùa hè Sanssouci của các vua Phổ. Thợ xay bột Grävenitz bỏ 800 đồng vàng xây trên đất của vua và có “sổ đỏ” tử tế, tất nhiên vẫn phải trả thuế đất thường niên là 40 đồng. Trong một qui hoạch mở rộng, vua Friedrich Đệ nhị muốn sáp nhập miếng đất của Grävenitz vào công viên Sanssouci, nói theo ngôn ngữ hành chính đương đại là “Nhà nước trưng dụng đất trong trường hợp thật cần thiết để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hoặc trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai.” Nông dân Grävenitz chắc mẩm là nhà vua ngứa tai bởi tiếng cọt kẹt từ cánh quạt cối xay gió hoặc bị chắn tầm mắt nhìn đến chân trời, bèn cả gan chỉ ra rằng chẳng có “trường hợp thật cần thiết để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hoặc trong tình trạng chiến tranh” nào sất. Nhà vua bực mình: “Lão già không biết là ta có thể tịch biên cái cối xay của lão mà không cần trả một xu?” Grävenitz cứng cổ đáp: “Thần biết chứ, tâu bệ hạ, nếu bệ hạ không ngại Tòa Thượng thẩm ở Berlin!” Vua phải chịu thua.
Như mọi câu chuyện mang màu sắc truyền thuyết trên đời, đại khái như Trạng Quỳnh hay Trạng Lợn, câu chuyện trên chỉ có một lỗi nho nhỏ là ... không có thật. Nhưng giai thoại êm tai ấy được nhắc đi nhắc lại, nhất là ở các Đại học Luật năm đại cương, để nhấn mạnh người cầm quyền cũng phải thượng tôn pháp luật.
Khoảng ba chục năm trở lại đây, tôi có điều kiện làm việc với các cơ quan tư pháp và nhận ra lắm sự khác biệt đáng chú ý. Ở Việt Nam, do một thời gian dài không chú trọng đào tạo luật gia, thậm chí còn có những năm không có trường đại học luật, nên tính đến tháng Chín 2019 cả nước chỉ có 13.563 luật sư đăng kí hành nghề. CHLB Đức, với dân số ít hơn ta chừng 15 triệu dân, phát triển số luật sư từ 1990 đến nay lên gấp ba lần, hiện tại không ít hơn 165.900 luật sư chen nhau giành giật khách hàng. Phải thống nhất trước một điều là con số luật sư trên đầu người không nhất thiết nói lên điều gì tuyệt đối, vì mỗi dân tộc có một văn hóa giải quyết xung đột, chất lượng xét xử, tương quan giữa chi phí và kết quả tranh tụng v.v. khác nhau, song sau ngót ba chục năm có nhiều dịp đụng chạm với các luật gia cả hai nước tôi có một nghi vấn nho nhỏ: Hình như người Đức rất thích kiện cáo? Rõ ràng nhà nước pháp quyền là một tiến bộ của xã hội và số lượng luật sư phần nào nói lên khả năng đáp ứng nhu cầu an ninh pháp lý. Nhưng có vẻ như luật sư Đức càng đông thì họ không làm giảm số vụ kiện cáo, mà còn kích nó tăng lên để tự tạo việc làm? Hoặc người Đức quá cứng nhắc để xông xênh tìm cách giải quyết các xung đột nho nhỏ với nhau, mà gõ cửa pháp đình ngay? Chỉ biết là tòa án Đức luôn bận rộn vì cả những sự vụ vô tiền khoáng hậu đến mức khó tin. Tòa án Xã hội Liên bang ở Kassel có lần phải xử lý đơn của một phụ nữ khiếm thính kiện Quỹ bảo hiểm y tế vì không chịu cấp cho bà ta tiền mua pin lắp trong máy khiếm thính. Bà cảm thấy mình bị đối xử thiếu bình đẳng, vì người mù được thanh toán tiền mua thức ăn cho chó dẫn đường. Đơn bị bác vì tòa phán rằng tiền mua pin chỉ đáng vài xu, nguyên đơn hoàn toàn có thể chi trả mà không sợ khuynh gia bại sản. Hay vụ của một người đi nghỉ mát ở Tây Ban Nha về, nhờ tòa án sơ thẩm thành phố Mönchengladbach đòi phòng du lịch hoàn lại tiền, lý do là anh ta được phân phòng khách sạn kê hai giường đơn thay vì một giường đôi. Nguyên văn trong đơn: “Quá trình vui vẻ với bạn gái tôi hầu như bất khả thi, vì mỗi cử động nhẹ nhàng nhất cũng làm cho hai giường tách khỏi nhau.” Ít nhất thì tòa án cũng rảnh rỗi để trả lời với lời lẽ bay bướm không kém: “Tôi (thẩm phán) biết là có nhiều phương thức giao hợp quen thuộc và phổ biến, dễ dàng được triển khai trên giường đơn và hoàn toàn làm hài lòng người trong cuộc.” Chưa hết, vị thẩm phán còn gợi ý, tại sao không lấy thắt lưng buộc hai chân giường lại với nhau để chống trôi, vì thông thường ở những lúc vui vẻ ấy người ta không dùng đến thắt lưng! Trong một diễn biến khác, người đâm đơn kiện là công chức. Ông này ngủ gật ở bàn làm việc và ngã dập mũi xuống sàn, làm đơn đòi bồi thường vì ông có bảo hiểm tai nạn lao động. Tôi đoán bạn đọc sẽ thấy buồn cười? Hoàn toàn nghiêm túc: Tòa ủng hộ quan điểm là có khả năng công chức đó ngủ gật vì làm việc quá sức, và do không ai chứng minh được điều ngược lại nên tòa xử theo hướng có lợi cho công chức đó, và bảo hiểm buộc phải trả tiền bồi thường.
Vào hiệu sách Đức, bạn có thể tìm được vô số các cẩm nang phổ biến kiến thức luật, thường được in với số ấn bản cao và bán chạy như tôm tươi. Bạn có thể tìm được trong đó vô vàn mẫu tố tụng được các luật gia danh tiếng trình bày, giải thích và bình luận một cách dễ hiểu, ví dụ: táo từ cây nhà hàng xóm rụng xuống vườn nhà tôi thì tôi được ăn hay phải đem sang trả, tại sao khi chuyến bay bị hủy thì hành khách có thể uống sâm-banh trong khi đợi, hoặc mẹ vợ có được đòi lại quà tặng ngày cưới, khi con rể ngoại tình. Quả thực, xã hội Đức vừa nghiêm ngắn lại vừa ẩn chứa nhiều điều khôi hài. Hồi ở Đức, cứ rảnh rỗi là tôi vào xem các phiên tòa (99% xử công khai, nếu không có trẻ vị thành niên liên can hoặc quyền cá nhân được bảo vệ), bảo đảm bổ ích hơn vào rạp xem phim hay bảo tàng lịch sử địa phương.
Mỗi năm, 650 tòa án cấp địa phương ở Đức (xử sơ thẩm cấp thấp nhất) đối mặt với chừng hai triệu vụ kiện cáo dân sự, một phần tư do hàng xóm kiện nhau! Tại sao người Việt Nam không thích kiện tụng, xin không bàn ở đây, vì điều đó có nhiều lý do - ngoài thực tế là có quá ít luật sư - và lý do nào cũng khác với Đức. Đọc đến đây sẽ có người ngạc nhiên vì thú vui kiện tụng của người Đức, bởi vì dù gì thì đã động đến tòa án là tốn thì giờ, tiền luật sư và án phí.Rất đơn giản: đối với loại rủi ro nào nước Đức cũng có bảo hiểm thích hợp, từ bảo hiểm vô ý rơi tàn thuốc lá xuống thảm đến bảo hiểm ngập lụt cho nhà cuối tuần ở trên đỉnh núi. Rechtsschutzversicherung hay Bảo hiểm chi phí pháp lý là thứ mà một người Đức lo xa (nói vậy là thừa, vì làm gì có người Đức không lo xa) thường mua, để nhỡ có chuyện kiện cáo thì sẽ được thanh toán các phí tổn tranh tụng. Người Đức sinh ra và lớn lên trong một bầu không khí nhà nước pháp quyền, có gì trái ý là họ giở ngay luật ra, bất kể đối thủ là nhà hàng xóm hay nhà nước. Cách suy nghĩ đó cũng là một phần của bản chất nhà nước pháp quyền chăng? Tôi đem điều này ra hỏi ông cựu chánh án Tòa án Hiến pháp Liên bang khi ông sang giảng bài ở Hà Nội. Ông đánh trống lảng và nói: “Tôi nghe nói Việt Nam ưa xét xử theo kiểu có lí có tình, nhưng luật pháp không thể không là một lĩnh vực mang tính vô cảm và lạnh lùng, nếu cứ dựa vào cái tình để co kéo các điều khoản pháp luật cho hợp hoàn cảnh cụ thể thì biết lấy gì làm chuẩn?” Trong một hội thảo quốc tế, tôi chứng kiến phía Việt Nam nêu ra một vụ li hôn kéo dài nhiều năm mà không sao chấm dứt nổi. Đôi vợ chồng này không con, đã sống li thân bốn năm, anh chồng bỏ nhà đến ở với người tình mới. Nhưng hễ tòa định xử li hôn là cô vợ dọa sẽ nhảy lầu, lại phải hoãn. Thẩm phán nọ muốn biết bên Đức sẽ xử ra sao. Đồng nghiệp người Đức của ông nói ngay: Phải xử li hôn. Thứ nhất là Luật hôn nhân và gia đình của Việt Nam qui định, khi mục đích hôn nhân không đạt được và mọi nỗ lực hòa giải không thành thì phải cho li hôn. Thứ hai, thẩm phán không xử cho li hôn là cố tình phạm luật, sẽ bị tuy tố. Và thứ ba, nếu cơ quan tư pháp để công dân đe dọa và dắt mũi (bằng một lời dọa tự sát) thì sẽ tạo một tiền lệ nguy hiểm: Về lý thuyết có thể dùng cách đó để phá thối bất kì vụ xử nào.

Giá sản phẩm trên Tiki đã bao gồm thuế theo luật hiện hành. Bên cạnh đó, tuỳ vào loại sản phẩm, hình thức và địa chỉ giao hàng mà có thể phát sinh thêm chi phí khác như phí vận chuyển, phụ phí hàng cồng kềnh, thuế nhập khẩu (đối với đơn hàng giao từ nước ngoài có giá trị trên 1 triệu đồng).....


Giá SDL

Thông tin chi tiết

Công ty phát hànhNXB Phụ Nữ Việt Nam
Ngày xuất bản2021-07-01 00:00:00
Kích thước13.5 x 20.5 cm
Loại bìaBìa mềm
Số trang260
Nhà xuất bảnNhà Xuất Bản Phụ Nữ Việt Nam
SKU5776767057441
Liên kết: Dầu tẩy trang dịu nhẹ Real Blend Calming Cleansing Oil The Face Shop (225ml)